Kỹ năng mềm – Yếu tố cần thiết cho sự phát triển của trẻ

Rèn luyện kỹ năng mềm cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của các con. Chính vì vậy, ngay từ sớm, trẻ cần được trang bị kỹ năng mềm để định hướng phát triển cá nhân một cách tốt nhất.

Kỹ năng mềm hướng đến việc giúp con người thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi theo xu hướng tích cực. Bồi dưỡng cho trẻ những kỹ năng mềm, những thói quen tốt không phải là việc một sớm một chiều mà là cả một quá trình. Muốn có được kết quả tốt nhất trong việc phát triền kỹ năng mềm cho trẻ phụ huynh phải hiểu rõ con và hiểu rõ những kiến thức giáo dục kỹ năng cần thiết.

Kỹ năng mềm là gì?

             Kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, sáng tạo,… Kỹ năng mềm là những kỹ năng có liên quan đến việc hòa mình vào cuộc sống hay tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức.

            Nếu kỹ năng cứng để chỉ trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên môn hay bằng cấp và chứng chỉ thì kỹ năng mềm chủ yếu là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt.

Phụ huynh phải hiểu con để tìm ra những kiến thức giáo dục kỹ năng cần thiết.

Tại sao cần trang bị kỹ năng mềm cho trẻ?

            Rèn luyện kỹ năng mềm sẽ giúp trẻ nhanh chóng hoà nhập và khẳng định vị trí của mình trong tập thể, mà xa hơn là một cộng đồng, xã hội. Do đó, cho dù con có tài giỏi, thông minh đến đâu nhưng thiếu kỹ năng mềm, trẻ cũng khó có thể tiếp cận với môi trường xung quanh, hòa nhập cũng như khẳng định mình.

Kỹ năng mềm giúp trẻ tự tin thể hiện ý tưởng cũng như đạt được hiệu quả trong học tập.

          ♦ Kỹ năng làm việc nhóm: Với phương pháp giáo dục hiện đại, làm việc nhóm là yếu tố không thể thiếu trong mỗi môn học. Kỹ năng làm việc nhóm của trẻ càng tốt thì việc học tập của trẻ càng có hiệu quả.

          ♦ Kỹ năng giải quyết vấn đề: Trẻ sẽ có khả năng suy nghĩ và đưa ra giải pháp thực thi để cải tiến một vấn đề. Đặc biệt là tìm cách đạt được mục đích khi gặp trở ngại hoặc khắc phục những hạn chế trong học tập cũng như công việc.

          ♦ Kỹ năng quản lý thời gian: Việc quản lý thời gian hiệu quả đồng nghĩa với sự cần bằng giữa học tập và vui chơi của trẻ. Trẻ có thể phát triển lành mạnh hay không phần lớn dựa vào cách phụ huynh hướng dẫn trẻ quản lý thời gian của mình.

          ♦ Kỹ năng giao tiếp: Mục đích của giao tiếp là truyền tải thông điệp. Nếu muốn truyền đạt thành công trẻ cần suy nghĩ là lựa chọn cách truyền đạt ý tưởng của mình sao cho đúng và rõ ràng nhất.

          ♦ Kỹ năng sáng tạo và tư suy: Tính sáng tạo và tư duy luôn được đánh giá cao ở bất cứ môn học hay lĩnh vực công việc. Nếu trẻ có khả năng sáng tạo và tư duy thì học tập hay nhiệm vụ có khó đến đâu trẻ vẫn có thể hoàn thành tốt.

          ♦ Khám phá tiềm năng lãnh đạo: Trong môi trường kỹ năng mềm được rèn luyện và củng cố, nhiều trẻ có thể khám phá tiềm năng lãnh đạo của mình, có khả năng thuyết phục và dẫn dắt thành viên đội, nhóm hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Dạy kỹ năng mềm cho trẻ từ sớm có lợi cho sự phát triển của trẻ.

Làm thế nào để phát triển kỹ năng mềm cho trẻ?

            Trẻ sẽ khó phát triển kỹ năng mềm nếu bạn chỉ dạy trẻ lý thuyết khô khan. Thay vào đó, phụ huynh có thể lấy chính mình làm mẫu cho con, hướng dẫn con qua những tình huống hay hoạt động thực tế.

            Học cách cư xử tốt

           Trẻ không cần tham gia một khóa học lễ nghi để có thể cư xử tốt bởi chính cách cư xử của phụ huynh mới là khóa học mà trẻ được tiếp nhận hàng ngày. Chính vì thế, hãy luôn lịch sự và nói cảm ơn, xin lỗi. Thay vì quát mắng, đánh đập do con phạm lỗi, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn giúp con nhìn ra lỗi sai và sửa lỗi. Trẻ chắc chắn sẽ dần hình thành thái độ và hành vi tốt.

            Giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tốt

            Hãy tập cho trẻ biết nhìn thẳng vào người đang cùng nói chuyện, tập trung lắng nghe và đưa ra câu trả lời, đối đáp thích hợp. Phụ huynh cũng cần cho trẻ thấy việc không tập trung, sử dụng điện thoại hay làm việc riêng chính là bất lịch sự và thiếu tôn trọng người đối diện. Điều này sẽ giúp trẻ có khả năng tự đánh giá và xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người.

Kỹ năng mềm giúp trẻ định hướng phát triển cá nhân một cách tốt nhất.

            Giải quyết vấn đề từ những việc nhỏ

            Hãy hướng dẫn con tự giải quyết và hoàn thành những việc nhỏ nhất. “Trẻ nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, con có thể tập dọn dẹp đồ chơi, góc học tập, gấp quần áo, quét nhà, tự giác học tập,… Khi con được rèn luyện có trách nhiệm với nhiệm vụ nhỏ của mình, chắc chắn con sẽ có trách nhiệm và khả năng giải quyết vấn đề với những công việc lớn hơn trong tương lai.

            Cảm thấy tự tin về bản thân

            Giúp trẻ chấp nhận được điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân. Nếu con bị điểm kém, thất bại, hãy nói với con rằng điều đó luôn xảy ra với bất kỳ ai. Dũng cảm chấp nhận thất bại luôn khó hơn đạt được một thành công. Do đó, hãy cho trẻ thử tham gia nhiều hoạt động để con có thể nâng cao sự tự tin và khám phá điểm mạnh của mình.

            Bài học về sự đồng cảm

            Tất cả trẻ em nên học một chút về sự đồng cảm. Việc đưa các con tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp các con hoàn thiện về cảm xúc hơn, không ích kỷ và biết chia sẻ hơn.

Trẻ cần được phát triển cân bằng về thể chất cũng như tinh thần.

            Kỹ năng mềm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống cũng như học tập và làm việc. Do đó, con bạn càng được rèn luyện kỹ năng mềm từ sớm càng tăng khả năng thích ứng môi trường, giải quyết khó khăn và đạt được thành công. Hi vọng những ý kiến nêu trên có thể giúp ích trong việc giáo dục con của gia đình thời hiện đại.

Các tin tức khác