Trò chơi là một phương pháp rất phổ biến được các giáo viên sử dụng trong lớp học hiện nay do hiệu quả mà nó mang lại cho học viên ở mọi lứa tuổi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng người học sẽ tiếp thu bài học hiệu quả hơn khi được tiếp thu trong môi trường thư giãn và vui vẻ, và trò chơi ngôn ngữ chính là cách tốt nhất để đạt được kết quả đó, đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong mọi giờ học.
Trò chơi ngôn ngữ tạo ra môi trường học tập vui vẻ
Nhiều trò chơi ngôn ngữ đòi hỏi học viên phải hoạt động theo cặp, theo nhóm hay đòi hỏi sự tham gia của cả tập thể lớp học cùng kết hợp với nhau để thực hiện yêu cầu của trò chơi, và để ghi được nhiều điểm để giành chiến thắng. Thực tế, học viên ở mọi lứa tuổi đều thích ghi điểm và chiến thắng. Hơn nữa, thông qua những trò chơi này, sinh viên có động cơ tự nhiên để ôn lại những kiến thức đã học, cũng như để tiếp nhận kiến thức mới một cách hứng khởi.
Ngoài ra, để có thể giành chiến thắng trong trò chơi, hay để giải quyết vấn đề gặp phải, từng người chơi phải đóng góp sự hiểu biết hoặc ý kiến của mình. Trong bầu không khí thư giãn, thoải mái do trò chơi tạo ra, việc tiếp thu kiến thức mới và ôn tập kiến thức cũ có thể diễn ra hiệu quả hơn rất nhiều.
Trò chơi ngôn ngữ tăng cường động cơ học tập cho người học
Trò chơi là nguồn khích lệ, tăng cường hứng thú học tập cho học viên và thường được coi là bước khởi động thu hút sự chú ý của sinh viên vào môi trường giảng dạy ngoại ngữ. Đối với hầu hết các trò chơi, sự cạnh tranh giữa những người chơi và đội chơi là một nhân tố làm tăng động cơ học tập mạnh mẽ cho học viên. Đây cũng là lý do quan trọng nhất khiến hầu hết sinh viên trở nên hứng thú và bị lôi cuốn vào các trò chơi.
Trò chơi tăng cường sự cộng tác và tính cạnh tranh
Sự cộng tác và tính cạnh tranh là yếu tố cần thiết làm tăng động cơ học tập cho người học tiếng Anh. Điều này là đúng vì trò chơi không chỉ khuyến khích sự cạnh tranh giữa họ mà còn khích lệ sự hỗ trợ lẫn nhau trong nhóm. Chính yếu tố cạnh tranh là động cơ để họ thành công trong trò chơi. Ngoài ra, các trò chơi ngôn ngữ đòi hỏi sinh viên phải hợp tác với nhau trong khi đóng vai (role-playing), tranh luận, thảo luận, và sử dụng ngôn ngữ trong nhiều tình huống khác nhau phụ thuộc vào từng loại trò chơi được tổ chức trên lớp. Điều này rõ ràng thúc đẩy cơ hội giao tiếp giữa sinh viên với nhau.
Để giành chiến thắng cho bản thân hay cho nhóm của mình, người chơi cố gắng hết sức là người đầu tiên tìm ra câu trả lời cũng như giành được điểm về cho đội của mình. Vì thế, khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ ít chú ý đến cấu trúc hay dạng câu mà chỉ chú ý đến cách giao tiếp sao cho tự nhiên hơn. Người chơi sẽ hợp tác với nhau bằng cách chia sẻ những thông tin họ nhận được để hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu trò chơi đặt ra cho họ. Đó chính là sự cộng tác và hợp tác giữa các sinh viên với nhau trong các trò chơi ngôn ngữ.
Trò chơi cung cấp sự phản hồi ngay tức thì và thông qua đó kiểm tra kiến thức của sinh viên một cách không chính thức
Giáo viên có thể đánh giá theo hình thức nhanh hơn, đó là thông qua trò chơi. Hầu hết các trò chơi đều cung cấp sự phản hồi ngay tức thì cho sinh viên, vì việc thắng hay thua phụ thuộc vào việc học viên thể hiện trong trò chơi đó tốt đến mức độ nào.
Bên cạnh việc cung cấp sự phản hồi ngay tức thì, các trò chơi ngôn ngữ còn giúp giáo viên kiểm tra học viên đã học được một cách không chính thức những gì mà không cần phải yêu cầu sinh viên làm bài kiểm tra giấy nghiêm túc, hay phải lên bảng làm bài tập, hay làm một đống bài tập trên giấy một cách nhàm chán và mệt mỏi. Hình thức đánh giá này đặc biệt hiệu quả và có sức thu hút đối với sinh viên.
Ở Bình Minh, các giáo viên cũng được tập huấn rất kĩ lưỡng bởi các chuyên gia về cách sử dụng trò chơi và bài hát, bài chant trong lớp để có thể cải thiện bầu không khí lớp học và để giúp các học sinh có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Buổi tập huấn cho giáo viên vào đầu năm học
Tóm lại, để việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ mang lại hiệu quả cao trong dạy và học tiếng Anh, giáo viên nên xem việc sử dụng trò chơi là một phần không thể thiếu trong giờ học, liên tục tổ chức các trò chơi để học viên tham gia trên lớp, tạo bầu không khí học tiếng Anh vui vẻ, thư giãn, nhiệt huyết, và mang tính hợp tác. Tuy vậy, giáo viên phải chú ý lựa chọn trò chơi phù hợp với trình độ của học viên để họ có thể phát huy tối đa khả năng của mình.
(Nguồn: Internet)