Đó là câu hỏi thường gặp của các bậc phụ huynh trong giai đoạn phát triển trí não của con em mình. Trẻ em khi bắt đầu có khả năng nhận thức và học hỏi những điều mới lạ, ngôn ngữ chính là cách tốt nhất giúp trẻ có thể giao tiếp và làm quen với thế xung quanh. Và phụ huynh cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em được đọc, được nói và được giao tiếp nhiều khi còn nhỏ sẽ có lượng từ vựng rộng lớn hơn, ngữ pháp tốt hơn so với những đứa trẻ khác. Chúng ta hãy cùng tham khảo một số cách đơn giản dưới đây để tìm ra phương pháp giúp phát triển khả năng ngôn ngữ của bé nhé.
1. Nói, nói và nói thật nhiều
Hãy kể lại cho bé nghe quá trình phát triển của chúng. Trò chuyện với con bạn hằng ngày, ví dụ như: “Bây giờ chúng ta sẽ đi tắm nhé. Con có cảm thấy làn nước ấm áp chảy trên bụng mình không? Sau khi lau khô người, chúng ta hãy mặc quần áo và đi dạo vài vòng nhé.”
2. Đọc, đọc và đọc thật nhiều
Không bao giờ là quá sớm khi bắt đầu việc đọc sách truyện cho đứa bé của bạn. Một yếu tố giúp đánh giá tốt hiệu quả của việc đọc sách cho trẻ nhỏ đó chính là lượng thời gian mà ba mẹ bỏ ra giành cho việc đọc sách cho bé. Phụ huynh có thể bắt đầu với những cuốn sách đơn giản và sau đó là nâng cao dần lên với những quyển truyện tranh, những câu chuyện dài hơn khi trẻ lớn hơn. Đọc sách tại thư viện hay các hiệu sách là những địa điểm lí tưởng giúp trẻ mẫu giáo nuôi dưỡng tình yêu dành cho những cuốn sách của mình.
3. Tận hưởng cùng với âm nhạc
Trẻ em thường rất hứng thú với âm nhạc và các hoạt động vui chơi. Khi chúng được nghe những bài hát sôi động, ví dụ như “Old McDonald Had a Farm”, trẻ nhỏ sẽ học được cách tìm hiểu về thế giới xung quanh chúng và giai điệu của ngôn ngữ thông qua lời bài hát.
4. Kể những câu chuyện cho bé
Tạo ra những câu chuyện thú vị và hấp dẫn thông qua các nhân vật, những tình huống xung đột gay cấn xảy ra, những cuộc phiêu lưu kì thú hay những câu chuyện với một kết thúc có hậu. Hãy đảm bảo rằng những câu chuyện mà bạn kể phù hợp với sở thích của con bạn và không quá kỳ quái khiến trẻ sợ hãi.
5. Hãy theo sát những điều mà con bạn muốn hướng đến
Nếu như con bạn đang giành sự quan tâm đặc biệt đến một bức tranh cụ thể trong một cuốn sách nào đó, hãy tiếp tục nói về nó. Nếu như bé bị hấp dẫn bởi một chiếc thuyền, hãy cho bé nhìn thấy nhiều chiếc thuyền hơn và bạn hãy bắt đầu nói nhiều hơn về những chiếc thuyền đó. Lặp lại theo những giọng điệu của trẻ khi nói chuyện với chúng, đặt câu hỏi và tương tác với bé nhiều hơn. Các phụ huynh cũng có thể thử giọng nói của con bạn vào máy ghi âm và phát lại cho chúng nghe, các bé sẽ vô cùng thích thú đấy.
6. Không bao giờ được chỉ trích cách nói chuyện hay phát âm của trẻ nhỏ
Thay vào đó, hãy lặp lại lời nói của bé khi nói chuyện với chúng nhưng thay bằng các cách phát âm đúng và sử dụng từ ngữ một cách hợp lý để cho thấy được sự khác biệt và thay đổi cho đúng. Và hãy dành cho con bạn những lời ngợi khen vì những nỗ lực và sự cố gắng của chúng.
7. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhiều với tivi hay máy vi tính
Học viện Nhi khoa của Mỹ đã đưa ra khuyến cáo rằng trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem ti vi và đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên không nên tiếp xúc với máy vi tính, các thiết bị điện tử quá 2 tiếng mỗi ngày. Trong khi các chương trình giáo dục có thể mang lại lợi ích cho trẻ em, thì các chương trình truyền hình không có sự tương tác hay phản ứng với trẻ nhỏ, đó chính là những yếu tố rất cần thiết cho trẻ khi học ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các trò chơi trên máy vi tính có sự tương tác với trẻ nhưng chúng không phát huy được tính sáng tạo của trẻ, những ý tưởng mới lạ của bé sẽ không thể phát triển được.
8. Phát hiện kịp thời các vấn đề về thính giác đối với trẻ nhỏ
Những trẻ nhỏ thiếu đi sự quan tâm chăm sóc của các bậc cha mẹ sẽ dễ mắc phải các vấn đề về nhiễm trùng tai hơn những đứa trẻ khác, và dẫn đến nguy cơ bị mất đi thính lực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về mặt ngôn ngữ của trẻ. Nếu đang trong thời gian phải điều trị bằng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, hãy đảm bảo rằng con bạn dùng đúng liều lượng mỗi ngày và sử dụng nó trong thời gian quy định một cách đầy đủ. Khi đã dùng hết lượng thuốc theo đơn của bác sĩ, hãy lên lịch khám theo dõi với bác sĩ nhi khoa để tránh tình trạng nhiễm trùng sẽ tái phát.
9. Đưa trẻ đi khám phá thế giới bên ngoài
Một chuyến dã ngoại, đi chơi tại công viên, sở thú hay viện bảo tàng sẽ là một cơ hội hoàn toàn quý báu dành cho con bạn, mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho bé. Trẻ nhỏ sẽ háo hức muốn tìm hiểu tên của tất cả các sinh vật kỳ lạ hấp dẫn chúng và tận hưởng cảm giác thích thú với những trò chơi mà chúng được tham gia.