5 MẸO GIÚP THÚC ĐẨY HỌC SINH TƯƠNG TÁC TRONG CÁC LỚP HỌC STEM

          Trẻ nhỏ một khi có nền tảng vững chắc về các kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) thì đều có tiềm năng phát triển rất tốt trong tương lai. Song, việc khơi dậy sự thích thú của các em ở những lĩnh vực này thì lại thuộc về chức trách các nhà giáo dục.

          Thật vậy, được tiếp xúc sớm với mô hình STEM sẽ giúp học sinh đạt được thành công trong những lĩnh vực này về sau cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các em tiếp cận những phạm trù khoa học. Nhưng khi tiết học các môn khoa học không còn hấp dẫn, sự tò mò của học sinh cũng sẽ giảm sút theo. Chính vì thế, các phương pháp giáo dục mang tính chất tìm tòi sẽ đem lại hiệu quả cao vì chúng tận dụng được óc sáng tạo và trí tò mò bẩm sinh của trẻ.

          Phương pháp STEM không chỉ giúp trẻ nhỏ tìm hiểu về thế giới xung quanh, mà còn là hành trang giúp các em giải quyết các vấn đề công nghệ phức tạp hơn trong tương lai. Thầy cô và phụ huynh có thể tham khảo tích hợp phương pháp STEM vào giờ giảng dạy trên lớp hay sau khi tan trường để các em khỏi bỡ ngỡ.

          Dưới đây là năm mẹo để tăng sự tương tác của học sinh trong lớp học:

          Thúc đẩy việc tự học có định hướng

          Một khi nắm được các mục tiêu, yêu cầu của bài tập kèm một chút chỉ bảo tinh tế, học sinh sẽ học được cách suy nghĩ độc lập, đúng hướng thông qua việc tự khắc phục và học hỏi sau mỗi lần mắc lỗi. Và từ việc được chủ động khám phá tìm tòi, trẻ nhỏ sẽ trở nên tự tin, sáng tạo và có trách nhiệm hơn đối với việc học của mình.

          Tạo điều kiện cho việc thực hành

          Giáo dục các môn khoa học chỉ thực sự có giá trị khi học sinh có cơ hội được áp dụng lý thuyết vào thực tế. Một nghiên cứu của Trường Đại học Chicago đã chỉ ra rằng những học sinh vừa học vừa thực hành nắm vững các khái niệm STEM và đạt điểm cao hơn so với những em chỉ học trong sách. Thông qua việc thay đổi quá trình học của học sinh, các nhà giáo dục có thể giúp các em cải thiện kĩ năng giải quyết vấn đề, và quan trọng nhất là làm cho việc học khoa học trở nên thú vị hơn.

          Liên hệ với thực tiễn

          Để thực sự tạo được tiếng vang với học sinh, chương trình giảng dạy STEM cần liên hệ các phạm trù tới cuộc sống đời thực.

          Đẩy mạnh giao tiếp trên lớp

          Khi được tạo cơ hội để thảo luận trước lớp hay khi giải quyết các vấn đề, kỹ năng thuyết trình và kể chuyện của học sinh sẽ được rèn giũa, cùng với phong thái tự tin khi nói trước đám đông. Những tiết học mà đòi hỏi học sinh phải thuyết trình hay đưa ra nhận xét chính là những cơ hội quý báu giúp các em trau dồi kỹ năng giao tiếp.

          Yêu cầu làm việc nhóm và hợp tác

          Làm việc theo cặp hoặc nhóm nhỏ không chỉ khuyến khích học sinh chia sẻ ý tưởng của bản thân, mà còn phát triển ở các em khả năng lãnh đạo, kĩ năng giải quyết vấn đề. Khi làm việc cùng với nhiều người với những cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề, trẻ nhỏ sẽ tự nghiệm ra rằng ý tưởng của mình chưa hẳn là tốt nhất, từ đó thúc đẩy các em nhìn nhận vấn đề từ các khía cạnh khác nhau.

          Bằng việc nuôi dưỡng sự hứng thú đối với khoa học và sức sáng tạo của trẻ nhỏ, các nhà giáo dục nắm trong tay mình “sức mạnh” thay đổi tương lai — bao gồm cả sự nghiệp sau này của học sinh lẫn nền kinh tế của chúng ta. Thực vậy! Phương pháp giáo dục tương tác đa chiều chính là công cụ hỗ trợ tốt nhất đối với học sinh ngày nay.

          Nguồn: https://www.educationworld.com/

Các tin tức khác